Ho ra máu là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý về đường hô hấp. Không thể bỏ qua triệu chứng này, bởi trong nhiều trường hợp, nó được coi như một bệnh cấp cứu. Một số người còn coi thường chứng ho ra máu và chủ quan. Tuy nhiên, khi cơ thể bạn ho ra máu, trong hầu hết các trường hợp, sẽ có một số tổn thương ở các cơ quan. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng bệnh sẽ ngày càng nặng hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người bệnh. Với những kiến thức được chia sẻ dưới đây, hy vọng bạn đọc có thể hiểu rõ và cảnh giác khi gặp phải.
Ho ra máu là gi?
Ho ra máu là tình trạng khạc ra máu từ đường hô hấp dưới khi ho. Đây là một tình trạng bệnh lý thường gặp ở các khoa Cấp cứu cũng như chuyên khoa Hô hấp.
Ho ra máu thường là biểu hiện của những bệnh lý đường hô hấp như: lao phổi, dãn phế quản, ung thư phổi, nhiễm trùng hô hấp, đôi khi nó là biểu hiện của bệnh lý tim mạch hẹp van 2 lá… Điều quan trọng đầu tiên là cần xác định người bệnh bị ho ra máu hay nôn ra máu.
Ho ra máu có thể nguy hiểm tới tính mạng nên cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Cận lâm sàng giúp chẩn đoán tùy vào nguyên nhân, thường là: xét nghiệm máu, chụp X- Quang ngực, soi cấy đàm, chụp CT-Scanner ngực, nội soi phế quản, siêu âm tim…
Ho ra máu biểu hiện như thế nào?
Ho ra máu thực sự là tình trạng khạc ra máu khi cố gắng sức ho, máu thường có bọt, màu đỏ tươi. Trước khi ho thường có triệu chứng: nóng rát sau xương ức, đau ngực, ngứa cổ.
Cần phân biệt với:
– Khạc ra máu từ đường mũi họng: máu khạc dễ dàng không kèm gắng sức ho, kèm các bệnh lý chảy máu vùng mũi họng dễ dàng phát hiện như: chảy máu cam, bệnh răng lợi, polyp mũi…
– Nôn ra máu: thường máu có lẫn thức ăn, không có bọt. Trước khi nôn thường đau bụng, hoặc có bệnh lý về tiêu hóa trước đây. Như xơ gan, loét dạ dày tá tràng, dùng thuốc giảm đau kéo dài.
Giải pháp tạm thời làm giảm ho ra máu
– Dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý.
– Ngủ đủ giấc ( 7 – 8 tiếng/ngày với người lớn).
– Không vận động quá sức để giảm gánh nặng cho phổi
– Kiêng các thực phẩm chứa chất kích thích như trà đặc, cà phê, ớt, rượu, thuốc lá.
– Trong chế độ ăn uống, nên ăn bổ sung các loại thực phẩm có tính chất thanh nhiệt. Ăn nhiều hoa quả tươi để bổ sung lượng vitamin thiếu hụt.
Những nguyên nhân dẫn đến ho ra máu
Bị lao phổi
– Triệu chứng gợi ý: Ho khạc đờm trên 2 tuần, có thể kèm ho ra máu tươi hoặc đờm vướng máu. Có thể từ ít đến nhiều, gầy sút, kém ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi đêm, đau ngực, tình trạng nặng thì sẽ gây khó thở.
– Cận lâm sàng cần cho chẩn đoán: chụp X-Quang phổi và xét nghiệm đờm.
– Bệnh có tính lây lan và để lại nhiều di chứng. Nên cần được phát hiện và điều trị sớm.
Bị dãn phế quản
– Dãn phế quản thường do di chứng của lao phổi hoặc sau một nhiễm trùng mạn tính ở phổi. Như áp xe phổi, viêm phổi do hít phải dị vật đường thở.
– Biểu hiện bằng: ho ra máu lượng ít (3-5ml, khoảng một muỗng cà phê) tự cầm trong vòng 3-5 ngày. Tái đi tái lại nhiều lần, hoặc ho ra máu lượng nhiều (>100 ml) có thể dẫn tới tử vong.
– Cận lâm sàng cần cho chẩn đoán: X-Quang phổi và CT-Scanner ngực có cản quang.
– Điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ thùy phổi bị dãn, hoặc thuyên tắc mạch máu.
Bị ung thư phổi
– Đây là bệnh lý ác tính, diễn tiến thường âm thầm, giai đoạn đầu ít có triệu chứng, hay xảy ra ở người hút thuốc lá nhiều.
– Giai đoạn trễ sẽ có biểu hiện: ho kéo dài, đau ngực, khó thở, sụt cân, ho ra máu thường lượng ít.
– Cận lâm sàng cần cho chẩn đoán: X-Quang phổi, CT-Scanner ngực có cản quang, nội soi phế quản, sinh thiết u.
– Điều trị tùy theo đánh giá giai đoạn tiến triển của bệnh.
Bệnh lý nhiễm trùng hô hấp
Có thể do viêm phổi hoại tử, viêm phế quản cấp, áp xe phổi, u nấm phổi, nấm phổi. Triệu chứng gợi ý thường có: sốt, ho khạc đờm mủ, đau ngực kiểu màng phổi (nghĩa là đau ngực khi ho, hít sâu vào, thay đổi tư thế).