Bệnh vảy nến là bệnh ngoài da mãn tính thường gặp, xảy ra ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi. Tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng cũng có thể phần nào gây khó chịu, sa sút tâm lý và ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh. Do đó, người bệnh cần hiểu rõ nguyên nhân và dấu hiệu của bệnh vảy nến, cũng như các biện pháp phòng tránh có thể giúp hạn chế các triệu chứng bùng phát. Hiện nay theo thống kê có khoảng 2 triệu người ở Việt Nam mắc bệnh vảy nến. Bệnh diễn tiến theo từng giai đoạn và không có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh lành tính thường không ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tâm lý của chúng ta.
Những nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân thật sự của vảy nến vẫn chưa rõ. Hiện nay nhiều nghiên cứu cho thấy có tính di truyền (10% con mắc bệnh nếu bố hoặc mẹ bị bệnh, 40% con mắc bệnh nếu cả bố mẹ đều bị bệnh). Các giả thuyết khác cho rằng, vảy nến có liên quan đến gene và rối loạn miễn dịch ở cơ thể người bệnh, từ đó dẫn đến các tế bào da tăng sinh rất nhanh và bất thường. Ngoài ra, một số yếu tố bên ngoài cũng góp phần khởi phát, thúc đẩy cũng như làm nặng thêm bệnh vảy nến. Các yếu tố đó gồm:
Chấn thương
Vảy nến có thể xuất hiện ở những da bị chấn thương thậm chí cả những vết trầy xước nhẹ.
Nhiễm trùng
Nhiễm trùng đường hô hấp trên do liên cầu trùng như viêm họng, viêm amidan có thể gây khởi phát vảy nến giọt (một dạng vảy nến) hoặc làm nặng thêm tình trạng bệnh vảy nến hiện mắc. Nhiễm HIV cũng làm nặng thêm bệnh vảy nến.
Do dùng thuốc
Một số thuốc có thể gây khởi phát hoặc làm nặng thêm bệnh vảy nến như thuốc điều trị tăng huyết áp (ức chế men chuyển, beta-blocker), kháng sốt rét tổng hợp (chloroquin), lithium, một số thuốc kháng viêm non-steroid (indomethacine), progesterone và corticosteroid.
Stress
Buồn phiền, lo lắng, giận dữ, stress thường dễ làm bùng phát và nặng thêm bệnh vảy nến.
Yếu tố thời tiết
Thời tiết lạnh và khô dễ gây bùng phát bệnh vảy nến. Thời tiết nắng, nóng và ẩm thường làm giảm nhẹ bệnh. Tuy nhiên, một số người thường bùng phát bệnh nặng hơn khi tiếp xúc với nắng (vảy nến nhạy cảm ánh sáng).
Rượu và thuốc lá
Làm nặng thêm bệnh vảy nến.
Dấu hiệu nhận biết bệnh
Thương tổn da
Hay gặp và điển hình nhất là các dát đỏ có vảy trắng phủ trên bề mặt, vảy dày, có nhiều lớp xếp chồng lên nhau rất dễ bong và giống như giọt nến (vì vậy có tên gọi là “vảy nến”). Kích thước thương tổn to nhỏ khác nhau với đường kính từ 1- 20cm hoặc lớn hơn. Vị trí điển hình nhất của các dát đỏ có vảy là vùng tì đè, hay cọ xát như: khuỷu tay, đầu gối, rìa tóc, vùng xương cùng, mông. Tuy nhiên, sau một thời gian tiến triển các thương tổn có thể lan ra toàn thân. Người mắc bệnh vảy nến thường không ngứa, tuy nhiên một số có thể ngứa, châm chích, bỏng rát. Trường hợp nặng, người bệnh có thể xuất hiện nhiều mụn mủ hoặc đỏ da toàn bộ cơ thể.
Thương tổn móng
Có khoảng 30-40% bệnh nhân vảy nến bị tổn thương móng tay, móng chân. Các móng ngả màu vàng đục, có các chấm lỗ rỗ trên bề mặt. Có thể móng dày, dễ mủn hoặc mất cả móng.
Thương tổn khớp
Tỷ lệ khớp bị thương tổn trong vảy nến tùy từng thể. Thể nhẹ, thương tổn da khu trú, chỉ có khoảng 2% bệnh nhân có biểu hiện khớp. Trong khi đó ở thể nặng, dai dẳng có đến 20% bệnh nhân có thương tổn khớp. Biểu hiện hay gặp nhất là viêm khớp mạn tính, biến dạng khớp, cứng khớp, lệch khớp, bệnh nhân cử động đi lại rất khó khăn… Một số bệnh nhân thương tổn da rất ít nhưng biểu hiện ở khớp rất nặng, đặc biệt là khớp gối và cột sống.
Phương pháp điều trị vảy nến
Có nhiều phương pháp điều trị vảy nến, từ kem bôi tại chỗ và thuốc mỡ tới liệu pháp sóng siêu âm, thuốc dạng uống hoặc tiêm. Có thể cần điều trị thử để tìm ra phương pháp điều trị phù hợp với mỗi người. Và không phải tất cả các phương pháp điều trị đều thích hợp với tất cả mọi người. Nhưng cần nhớ rằng phần lớn bệnh vảy nến có thể được kiểm soát và cải thiện triệu chứng nhờ điều trị. Nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng những thay đổi lối sống như bỏ thuốc lá và duy trì cân nặng lành mạnh có thể cải thiện triệu chứng bệnh ở một số trường hợp và cũng giúp cho việc điều trị có kết quả tốt hơn.
Các bệnh nhân bệnh tự miễn cần phải hiểu hiện nay chưa có phương pháp điều trị cụ thể nào. Hầu hết các thuốc bệnh nhân sử dụng đều mang tính kiểm soát các triệu chứng của bệnh. Bệnh nhân cần phải chuẩn bị tinh thần sống chung với bệnh cả đời. Tuy nhiên, thực hiện nghiêm chỉnh theo hướng dẫn của bác sĩ cùng với chế độ dinh dưỡng. Luyện tập và lối sống lành mạnh sẽ rất tốt trong việc hạn chế những đau đớn và khó chịu của bệnh.