Ngày nay hiện bệnh khô mắt là căn bệnh phổ biến, nhất là đối với những người ngồi lâu trước màn hình máy tính. Bệnh khô mắt tuy không phải là bệnh nguy hiểm đến tính mạng nhưng để lại cho người bệnh rất nhiều hậu quả cho sức khỏe. Như mệt mỏi, đỏ, rát mắt, giảm hiệu quả công việc và khó chịu trong người. Trong một số trường hợp khác, những người bị bệnh khô mắt sẽ dẫn đến bị giảm thị lực. Vậy bệnh khô mắt là loại bệnh gì? Các dấu hiệu của bệnh là gì? Cùng tìm hiểu nhé!
Khô mắt là bệnh gì?
Khô mắt là sự rối loạn của màng phim nước mắt vốn được cấu tạo bởi lớp mỡ, lớp nước và lớp nhầy. Lớp mỡ giúp hạn chế sự bốc hơi nước mắt. Lớp nước cung cấp oxy cho biểu mô giác mạc, có tính sát trùng nhẹ, giúp rửa trôi bụi bẩn cho giác mạc trơn nhẵn. Lớp nhầy giúp dàn đều nước mắt trên giác mạc. Ba lớp này cùng “hợp lực” bảo vệ nhãn cầu khỏi những tác động xấu bên ngoài. Tuy nhiên, khi bị mất cân bằng, khả năng bảo vệ mắt sẽ suy giảm, dẫn đến tình trạng nước mắt bay hơi nhanh, từ đó không còn đủ để bôi trơn, bảo vệ bề mặt nhãn cầu và nuôi dưỡng giác mạc, gây ra cảm giác khó chịu cho đôi mắt.
Nguyên nhân gây ra bệnh khô mắt
– Bệnh khô mắt có thể xuất phát từ hai lý do:
Không đủ lượng nước mắt hoặc chất lượng nước mắt kém. Khô mắt cũng có thể xảy ra với những người mắc phải Hội chứng Sjögren (một bệnh lý tự miễn liên quan đến các tuyến ngoại tiết trong cơ thể như tuyến lệ, tuyến nước bọt…), viêm khớp dạng thấp hoặc lupus ban đỏ hệ thống; Người mắc các bệnh gây sẹo xơ tuyến lệ như pemphigoid, mắt hột, hội chứng Stevens-Johnson.
– Các yếu tố nguy cơ tình trạng khô mắt:
Phụ nữ tuổi mãn kinh. Hậu quả tổn thương tuyến lệ, xạ trị tại chỗ. Thiếu lớp mỡ trên bề mặt phim nước mắt dẫn tới tăng tốc độ bốc hơi và thiếu lượng nước mắt trên bề mặt. Do hở mi (liệt mặt ngoại biên) hoặc giảm tần số chớp mắt (bệnh Parkinson). Thời gian sử dụng mắt kéo dài (ví dụ như đọc sách, làm việc trên máy tính, lái xe, xem tivi). Môi trường sống khô, nhiều gió hoặc khói bụi. Người sử dụng những loại thuốc toàn thân, bao gồm isotretinoin, thuốc an thần, thuốc lợi tiểu, thuốc chống tăng huyết áp, thuốc ngừa thai uống, các thuốc kháng cholinergic (bao gồm thuốc kháng histamine và thuốc đường tiêu hóa). Mất nước
Dấu hiệu của bệnh khô mắt
– Cảm thấy nặng mắt, ngứa và nhức ở hốc mắt: Đây là một trong những biểu hiện đầu tiên báo hiệu mắt đang thiếu độ nhầy cần thiết.
– Chảy nước mắt, mờ mắt, mỏi mắt: Bề mặt mắt không được cấp đủ độ ẩm, nhất là khi đang tập trung làm việc sẽ khiến cơ mắt không còn linh hoạt, gây mỏi mắt và hạn chế tầm nhìn.
– Mắt khó chịu, cộm mắt: Mắt khô thường gây cảm giác xốn và cộm như có dị vật đọng trong mắt. Bởi khi màng mắt khô sẽ dẫn đến các tế bào cũng khô theo vì không được bảo vệ, tạo ra các cọ xát siêu nhỏ nơi bề mặt mắt. Cần dưỡng ẩm nhanh chóng cho mắt để làm lành các vết mài mòn này.
– Cảm thấy cay mắt và đau rát, đỏ mắt: Mắt khó chịu như có dị vật bên trong mắt, kèm theo hiện tượng các mạch máu nổi rõ trên tròng trắng. Nếu không phải đang gặp vấn đề viêm nhiễm khác, thì hẳn bạn đang bị khô mắt nghiêm trọng.
– Nhòe mắt, hoa mắt khi nhìn vào ánh sáng: Mắt không được cấp đủ độ ẩm cũng sẽ khiến mắt nhạy cảm hơn khi nhìn vào ánh sáng. Gây nhòe – lóa mắt khi tiếp xúc bất ngờ. Cần nháy mắt một lát để mắt dần thích nghi lại.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Khô mắt
Để chuẩn đoán các bệnh về mắt, trước hết cần dựa vào kết quả khám mắt toàn diện. Cùng với xác định một số chỉ số của màng phim nước mắt như:
– Kiểm tra tiền sử của bệnh nhân về các biểu hiện về mắt, quá trình sử dụng thuốc, yếu tố môi trường sống và làm việc.
– Sau đó khám bên ngoài nhãn cầu mắt để kiểm tra các bất thường khi mi mắt hoạt động.
– Sử dụng kính hiển vi với đèn khe và độ phóng đại hơn. Để đánh giá các tổn thương của mi mắt và kết giác mạc.
– Kiểm tra chất lượng của nước mắt thông qua việc xác định mắt có khô hay không.
Cách phòng bệnh khô mắt
Để phòng ngừa mắt “khô hạn”, bạn nên lưu ý những vấn đề sau:
– Nếu mắt bị khô do các yếu tố môi trường. Hãy tránh tiếp xúc với khói thuốc lá và bảo vệ mắt bằng kính mắt khi hoạt động bên ngoài lúc trời gió.
– Thêm máy tạo độ ẩm trong nhà có thể tạo độ ẩm trong không khí, giúp giảm khô mắt.
– Hạn chế đeo kính áp tròng.
– Giảm thời gian sử dụng các thiết bị màn hình phẳng.
– Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý bao gồm các dưỡng chất cần thiết cho mắt. Như Vitamin A, Omega-3, kẽm, lutin… giúp duy trì chức năng giác mạc.
– Uống nhiều nước giúp duy trì độ ẩm cho cơ thể và mắt.
– Đảm bảo giấc ngủ đủ 6-8 tiếng mỗi ngày. Để mắt kịp hồi phục, duy trì độ ẩm ở màng mắt, thư giãn cơ mắt.