Ho gà là bệnh do vi khuẩn Bordetella pertussis xâm nhập vào đường hô hấp. Các vi khuẩn này bám vào các lông mao của đường hô hấp, sau đó vi khuẩn tiết ra chất độc tấn công vào hệ hô hấp khiến đường thở bị sưng tấy. Bệnh ho gà được biết đến với cơn ho dữ dội, không kiểm soát được, thường gây khó thở. Sau khi ho, bệnh nhân thường phải hít thở sâu, điều này tạo ra âm thanh giống như tiếng rít dài. Bệnh có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, nhưng nó đặc biệt nghiêm trọng và thậm chí gây tử vong ở trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi.
Dấu hiệu của bệnh ho gà
Ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho ngày càng nặng và trở thành cơn ho kịch phát trong 1-2 tuần; kéo dài 1-2 tháng hoặc lâu hơn. Cơn ho gà rất đặc trưng, thể hiện trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được. Sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn.
Những nguyên nhân gây bệnh
Tác nhân gây bệnh là Bordetella pertussis thuộc giống Bordetella gây bệnh ở người. Hình thái: Vi khuẩn ho gà là dạng trực khuẩn hai đầu nhỏ, thuộc loại vi khuẩn có kích thước nhỏ nhất, không di động, gram (-). Vi khuẩn có sức đề kháng ngoài môi trường rất yếu. Thường sẽ bị chết trong 1 giờ dưới tác dụng của nhiệt độ, ánh sáng mặt trời trực tiếp hoặc thuốc sát khuẩn thông thường
Hình thức lây bệnh
– Ổ chứa: Người là vật chủ duy nhất. Bở vậy, nguồn truyền bệnh là bệnh nhân, không có nguồn lây truyền ở người lành mang trùng hoặc ngươi bệnh trong thời kỳ lại sức.
– Thời gian ủ bệnh: Thông thường từ 7 đến 20 ngày.
– Thời kỳ lây truyền: Bệnh ho gà lây truyền mạnh nhất trong thời kỳ đầu viêm long. Sau đó tính lây truyền giảm dần và sẽ mất đi sau 3 tuần mắc bệnh. Mặc dù lúc này cơn ho vẫn còn dai dẳng.
Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Tính lây truyền rất cao ngay sau khi bị phơi nhiễm với giọt nước miếng của bệnh nhân. Nhất là đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín lâu dài như hộ gia đình, trường học.
Biến chứng nguy hiểm của ho gà
Biến chứng thường gặp ở trẻ nhỏ. Viêm phế quản, viêm phế quản-phổi do bội nhiễm, ho kéo dài, ngừng thở. Là những biến chứng hay gặp nhất và dễ gây tử vong, đặc biệt ở trẻ dưới 1 tuổi. Bệnh nhân cũng có thể gặp lồng ruột, thoát vị, sa trực tràng. Trường hợp nặng có thể gặp vỡ phế nang, tràn khí trung thất hoặc tràn khí màng phổi. Viêm não (0,1%) là một biến chứng nặng của bệnh ho gà, tỷ lệ di chứng và tử vong cao.
Những biện pháp phòng ngừa bệnh
Tuyên truyền, giáo dục sức khỏe: Cần cung cấp các thông tin cần thiết về bệnh ho gà cho nhân dân. Nhất là cho các bà mẹ, thầy cô giáo biết để cộng tác với cán bộ y tế. Để phát hiện sớm bệnh, cách ly, phòng bệnh và cộng tác với cán bộ y tế đưa con đi tiêm vắc xin (DPT-VGB-Hib).
Vệ sinh phòng bệnh:
– Nhà ở, nhà trẻ, lớp học, vườn trẻ… phải thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
– Tại nơi có ổ dịch ho gà cũ, cần tăng cường giám sát. Phát hiện sớm các trường hợp bệnh có cơn ho gà điển hình. Nhất là đến khoảng thời gian chu kỳ của bệnh dịch ở địa phương.
Tiêm phòng đầy đủ 03 mũi vắc xin phối hợp DPT – VGB – Hib là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh.